BỆNH CHẾT NHÁNH TRÊN CÂY VẠN THỌ
Cây vạn thọ là một loài hoa được trồng phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt nó được dùng để trưng trong các dịp lễ, Tết mang tính truyền thống của người Việt. Trên cây vạn thọ cũng gặp không ít những đối tượng gây hại như côn trùng và bệnh hại do cả nấm, khuẩn…Trong đó, bệnh chết nhánh trên cây vạn thọ (Choanephora blight disease) là một trong các bệnh rất quan trọng trên vạn thọ, tuy bệnh mới xuất hiện trong thời gian gần đây nhưng nó phát triển rất nhanh gây chết hàng loạt cây. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết về bệnh này.
* Triệu chứng bệnh
Bệnh có thể xuất hiện trên thân, cành và hoa, thường gây hại nặng trên các nhánh non của cây và hoa, nấm tấn công từ đỉnh sinh trưởng của cây rồi lan xuống phần dưới làm cả cây chết, thân bọng và khô.
Phần mô cây bị nhiễm bệnh có màu nâu đến đen.
Bệnh gây hại trên hoa làm cho hoa bị thối từng cánh hoặc cả hoa.
Điều kiện phát sinh, phát triển bệnh:
Bệnh phát triển nặng trong điều kiện ẩm ướt, nhiệt độ và ẩm độ cao.
Trong điều kiện ẩm độ cao nơi phần bệnh của cây thường thấy có tơ nấm màu trắng bao phủ, trên đầu sợi nấm xuất hiện nhiều chấm đen li ti.
Tác nhân gây bệnh:
Bệnh được xác định do nấm Choanephora sp. gây ra (Barnett và Hunter, 1998), thuộc lớp nấm tiếp hợp, hầu hết nấm sống hoại sinh trên bộ phận cây chết nhưng cũng có một số loài tấn công trên cây đang phát triển.
Nấm được ghi nhận có phổ ký chủ rộng, ngoài vạn thọ, nấm còn gây hại trên hoa huệ, cây ớt,... (Weber, 1973).
Khi gây hại, nấm sẽ tạo vết thương và làm một bộ phận cây bị chết sau đó phát triển rộng ra hình thành khối sợi nấm, nấm tạo ra enzym làm đình trệ và giết chết tế bào, sau đó nấm phát triển vào trong mô cây làm cho mô cây bị chết.
Nấm Choanephora sp. gây bệnh chết nhánh trên cây vạn thọ
Hình bên trái: Đính bào đài mang bào tử. Hình bên phải: Bào tử
Phòng trị bệnh:
- Để phòng bệnh đạt hiệu quả, cần sử dụng giống kháng, cây trồng khỏe mạnh do đó cây cần trồng trong điều kiện thông thoáng, không có ẩm độ cao, khoảng cách trồng hợp lý, bón phân cân đối không bón nhiều phân đạm, không tưới nước vào buổi chiều tối và trực tiếp lên hoa.
- Khi phát hiện cây bị bệnh cần cách ly cây bệnh, cắt và tiêu hủy bộ phận bệnh, có thể sử dụng một trong các loại thuốc chứa hoạt chất như mancozeb, difenoconazole, triadimenol,...