Trang chủ / Blog / CÁC NGUYÊN NHÂN CHỦ YẾU DẪN ĐẾN HIỆN TƯỢNG RA BÔNG PHƯỚN (BÔNG LÁ) TRÊN CÂY SẦU RIÊNG

CÁC NGUYÊN NHÂN CHỦ YẾU DẪN ĐẾN HIỆN TƯỢNG RA BÔNG PHƯỚN (BÔNG LÁ) TRÊN CÂY SẦU RIÊNG


Một trong những vấn đề nan giải đối với nhà vườn trong quá trình làm bông đó là cây ra mắt cua nhưng sau đó lại ra “bông lá” hay một số nơi còn gọi là “bông phướn”.


          “Bông phướn” hay “Bông lá” là gì?

           Bông lá hay bông phướn là từ nhà vườn dùng để chỉ  những chùm bông có mang theo lá, thường bông sẽ ốm, dễ rụng và khó làm trái. Đối với cây có múi như cam, quýt, bưởi, … với đặc tính ra mang trái đầu cành, khi cây ra bông lá thì những lá đó sẽ hấp thu dinh dưỡng để nuôi lại chính trái đang mang. Còn với cây sầu riêng với đặc tính mang trái trong thân, đậu trái ở dạ dưới của cành, việc ra hoa kèm theo cả lá nằm ở vị trí khuất ánh sáng, lá không thể quang hợp ngược lại còn hấp thu dinh dưỡng cây dẫn về để nuôi bông từ đó ảnh hưởng xấu đến việc ra hoa, đậu quả.



Hình ảnh Bông phướn” hay  “Bông lá” trên cây sầu riêng

 

          Các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng ra “Bông phướn” hay  “Bông lá” trên cây sầu riêng:

          Có một số yếu tố chính dẫn đến hiện tượng này, đó là:

          1. Cơi đọt

          Vườn sầu riêng trước khi bước vào giai đoạn tạo khô hạn làm bông nên được phục hồi tốt, lấy từ 2 – 3 cơi đọt (tuỳ vào tình trạng thực tế của mỗi vườn), để giúp cây đủ lá để quang hợp, sản xuất ra đủ các dinh dưỡng (hợp chất đường để nuôi bông, nuôi trái). Khi cây sầu riêng khi đủ lá sẽ dễ dàng siết nước làm bông hơn. 

Trong trường hợp cơi lá không đủ, cây yếu sức, có thể dẫn đến bản thân cây cảm ứng ưu tiên việc cho ra mầm lá hơn là cho ra mầm bông. 

          2. Siết nước

          Yếu tố quan trọng nhất khi làm bông đó là tạo sự khô hạn bằng cách siết nước. Việc tạo khô hạn nhằm mục đích chuyển trạng thái sinh trưởng của cây sang trạng thái sinh sản (Ức chế điều kiện của sự sinh trưởng). Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để quá trình sinh sản: tạo mầm, phân hoá mầm bông diễn ra đồng loạt. 

Nếu quá trình siết nước không đạt sẽ ảnh hưởng đến tạo mầm. Cụ thể là cây chưa được cắt nước tốt, cây sẽ dễ dàng hấp thu được Đạm trong quá trình làm bông (có thể do mưa mang theo Đạm tự do trong không khí hoặc do trong đất còn Đạm mà cây có thể hút lên được nếu đất ẩm). Trong quá trình siết nước nếu gặp mưa giông kéo dài, vườn thoát nước kém, dẫn đến làm gián đoạn quá trình tạo stress khô hạn cho cây thì cây dễ hình thành mầm lá thay vì hình thành mầm bông.

         3. Nước tưới

         Việc tưới nước cũng là nguyên nhân quan trọng. Trong quá trình siết nước tạo mầm đến khi nhú mắt cua, nếu gặp mưa, hoặc tưới nước quá sớm. Sẽ khiến sự chuyển hoá và phân hoá mầm hoa bị ảnh hưởng. Đạm trong nước mưa, và dinh dưỡng cây hấp thu khi được tưới nước sớm sẽ làm cho cây đẩy nhanh tốc độ sinh trưởng, bung chồi lá thay vì chuyển hoá sang mầm bông. Tưới sớm sẽ khiến các hoa đầu cành phát triển mạnh, các mầm hoa phía trong sẽ bị đẩy rơi vào trạng thái ngủ, dẫn đến ra “bông phướn” hay ra lá. 



          Vì vậy, không nên tưới nước sớm khi mắc cua chưa sáng hoàn toàn hoặc khi đang ra. Thời điểm tốt nhất để tưới là khi mắc cua ra 2- 3 cm.  

          4. Tạo mầm

         Việc xử lý tạo mầm chiếm một phần quan trọng trong quá trình làm bông. Khi tạo mầm, nhà  vườn hay sử dụng các dinh dưỡng Lân, Kali có hàm lượng cao. Các chất này ức chế sinh trưởng mạnh giúp cây dễ ra bông hơn. 

          Tuy nhiên, cần dựa vào tình hình thời tiết và tình trạng cây mà tiến hành xử lý với liều lượng và số lần xử lý thích hợp đến khi cây ra bông. Nếu quá trình tạo mầm chưa đạt (liều lượng chưa đủ, số lần xử lý quá ít), điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến việc tạo mầm, phân hoá mầm bông đồng loạt thì cây sẽ có thể ra bông lọt xọt hoặc ra bông lá.

 

CÁC NGUYÊN NHÂN CHỦ YẾU DẪN ĐẾN HIỆN TƯỢNG RA BÔNG PHƯỚN (BÔNG LÁ) TRÊN CÂY SẦU RIÊNG