CƠ CHẾ HẤP THỤ CHẤT DINH DƯỠNG QUA ĐƯỜNG LÁ
Bộ lá và các bộ phận khác trên mặt đất, kể cả vỏ cây cũng có thể hấp thu trực tiếp các dưỡng chất. Cơ chế hấp thụ chất dinh dưỡng qua đường lá như thế nào, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua những phân tích dưới đây:
1. Phân bón lá được hấp thu qua các khí khổng
Trên bề mặt lá có các lỗ khí khổng, đây là các lỗ cực nhỏ. Khí khổng trên lá rất nhiều tùy theo loài. Có những loài khoảng 100 khí khổng/1mm2 lá, có loài vài ngàn khí khổng/1 mm2. Bên cạnh việc giúp cây thoát hơi nước, cân bằng nhiệt độ trong cây, mở để CO2 đi vào bên trong tham gia cho quá trình quang hợp thì các lỗ khí khổng này còn là nơi hấp thụ các chất dinh dưỡng bằng con đường phun qua lá. Chất tan khi phun qua lá sẽ đi qua khí khổng để vào bên trong lá; tuy nhiên khí khổng rất nhỏ nên trong phân bón lá có những phụ gia để làm giảm áp suất hơi từ trong ra.
Sự xâm nhập của chất lỏng xuyên qua bề mặt có sức căng cao và các khí khổng có thể xảy ra dưới một số điều kiện. Một trong những điều kiện này là tạo các giọt nhỏ liên kết với sự bốc hơi. Khi sự bốc hơi xảy ra, mức độ xâm nhập đạt cao nhất và sự hấp thu liên tục xảy ra với các phần chất rắn còn lại.
Các chất khí như SO2, NO2, NH3 cũng có thể đi vào lá qua khí khổng, cũng được cây đồng hóa trở thành chất hữu cơ. Hàng ngày cây có thể hấp thụ qua lá 100 – 450g/ha NH3.
Trên cây một lá mầm (đơn tử diệp) khí khổng thường phân bố cả 2 mặt lá, thậm chí mặt trên lá nhiều hơn mặt dưới lá như: Lúa , lúa mì…; còn trên cây ăn trái (cây thân gỗ) khí khổng thường tập trung nhiều ở mặt dưới lá.
Quá trình hút ion vào ban đêm thường hoạt động và diễn ra mạnh hơn do khí khổng mở.
2. Phân bón lá được hấp thu bởi qua con đường đi qua khe hở của lớp sáp
Một số ion còn thẩm thấu trực tiếp qua lớp biểu bì lá, con đường này phụ thuộc vào nhiều cấu tạo của lá cây, tầng cutin… Cấu tạo lá gồm có 1 lớp biểu bì bên trên sẽ giúp lá không thoát nước 1 cách thụ động, làm cho lá cứng cáp hơn để chống lại sâu bệnh. Vách ngoài của những tế bào biểu bì lá được bao phủ bởi lớp cutin và một lớp sáp có đặc tính chống thấm nước rất mạnh. Đây là yếu tố có lợi cho cây trồng tuy nhiên cũng là mặt hạn chế đối với phân bón lá.
Cấu tạo của lớp sáp này bằng 1 loại lipid không thấm nước khi lá khô. Đây là bức tường lớn nhất để hấp thu dinh dưỡng qua lá. Tuy nhiên làm sao phân bón lá đi vào biểu bì lá? Dưới kính hiển vi điện tử giữa các phân tử sáp với nhau có 1 khoảng hở vài micromex hoặc vài nanomex tùy theo loài. Chính từ khoảng hở này nếu chất tan của phân bón lá đủ nhỏ thì nó sẽ đi vào được giữa các phân tử lớp sáp.
Vì vậy để tăng khả năng hấp thu phân bón lá trên cây trồng thì việc sử dụng các chất bám dính sẽ đem lại hiệu quả rất tốt.
3. Sự xâm nhập chất dinh dưỡng trong phân bón lá còn nhờ vào các không bào bên trong lá cây
Các không bào rất quan trọng để chứa các chất dinh dưỡng trước khi chúng được hấp thu vào bên trong từng tế bào. Các chất dinh dưỡng sẽ vào những không bào này sau khi xâm nhập từ bên ngoài qua lớp biểu bì lá cũng như được hấp thu từ rễ qua các mao mạch trong thân cây.
Theo số liệu đã được công bố, hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng qua lá đạt tới 95%. Trong khi đó, bón qua đất, cây chỉ sử dụng được 45-50% chất dinh dưỡng. Sở dĩ như vậy là vì tổng diện tích bề mặt các lá trên một cây rộng gấp 15-20 lần diện tích đất được che phủ bởi cành và lá, nghĩa là diện tích hấp thụ chất dinh dưỡng của lá rộng hơn rất nhiều so với diện tích đất trồng của một cây. Tuy nhiên có một vấn đề đặt ra là không thể thay thế dinh dưỡng hấp thu qua rễ vì hàm lượng không cao.