NHÓM BỌ XÍT CÓ LỢI TRÊN RUỘNG LÚA
Trên ruộng lúa có nhiều loài thiên địch có lợi, trong số đó là nhóm bọ xít như bọ xít mù xanh, bọ xít nước, bọ xít nước ăn thịt và bọ xít nước gọng vó. Sự hiện diện của chúng góp phần khống chế mật số bọ rầy và sâu hại trên ruộng lúa.
1. Bọ xít mù xanh
Có màu xanh và đen, thường đẻ trứng vào mô thực vật, sau 2 – 3 tuần sẽ trưởng thành và có thể sinh sản từ 10 – 20 con non.
Chúng thích ăn trứng và sâu non của các loài rầy. Mỗi con ăn hết 7-10 trứng/ngày hay 1-5 con bọ rầy/ngày.
2. Bọ xít nước
Là một loài bọ sống dưới nước, thường tìm thấy ở các vùng có nước. Bọ trưởng thành màu xanh nhạt, to hơn bọ xít nước ăn thịt, nhưng số lượng ít hơn. Trưởng thành có 2 dạng: có cánh và không có cánh.
Nó là thiên địch của sâu đục thân, bọ rầy, tập trung ở bờ ruộng. Bọ xít nước có thể ăn tới 10 con rầy mỗi ngày.
3. Bọ xít nước ăn thịt
Đó là loài bọ xít nhỏ có vạch trên lưng. Thân hình nhỏ và bàn chân trước chỉ có 1 đốt do đó có thể phân biệt được với các loài bọ xít khác.
Nó là thiên địch của bọ rầy. Mỗi con bọ xít nước ăn từ 4 – 7 con bọ rầy/ngày.
4. Bọ xít nước gọng vó
Bọ xít nước gọng vó là một loài bọ nhảy to, chân dài nhất. Trưởng thành màu đen, có 2 đôi chân sau rất dài. Đôi chân giữa có chức năng như tay chèo và khi nằm yên thì để ra phía trước.
Cả ấu trùng và thành trùng của nó đều săn bọ rầy hại lúa, bướm và sâu non bị rơi xuống nước. Mỗi con bọ xít nước gọng vó ăn 5- 10 con mồi mỗi ngày. Khó phát hiện ở ngoài đồng ruộng vì loài bọ này di chuyển rất nhanh.