THÀNH PHẦN VÀ TẬP TÍNH CÁC LOÀI RẦY XANH GÂY HẠI TRÊN CÂY SẦU RIÊNG
1. Thành phần các loài rầy xanh gây hại trên cây sầu riêng
Kết quả nghiên cứu và ghi nhận thực tế trên vườn của các nhà khoa học và các kĩ sư nông nghiệp, cũng như nhà vườn canh tác sầu riêng cho thấy: có 04 loài rầy xanh thường xuyên hiện diện và gây hại đối với cây sầu riêng với mức độ phổ biến khác nhau, bên cạnh loài rầy nhảy (rầy phấn) Allocaridara malayensis Crawford (Bảng 1, nguồn: Lại Tiến Dũng và ctv., 2024).
Trong 4 loài rầy gây hại trên cây sầu riêng đã thu thập được, 2 loài rầy xanh
Empoasca flavescens Fabricius và loài rầy nhảy Allocaridara malayensis được so sánh định danh với bộ mẫu tiêu bản của Viện Bảo vệ thực vật. Hai loài rầy còn lại có mức độ bắt gặp trên cây sầu riêng với mật độ gây hại rất cao. Kết quả phân tích DNA, so sánh với ngân hàng gen thế giới cho thấy loài rầy xanh 2 chấm có tên khoa học là Amrasca biguttula Ishida và loài rầy xanh 4 chấm có tên khoa học là Amrasca splendens Ghauri đã được ghi nhận ở nước ta từ năm 1977 (Dworakowska, 1977) và lần đầu tiên phát hiện sự bùng phát mật độ cao trên cây sầu riêng tại Bến Tre. Loài rầy xanh 4 chấm Amrasca splendens Ghauri đã được nhóm tác giả đăng ký trên ngân hàng gen thế giới với mã số genbank là MW190078 (Lại Tiến Dũng và ctv., 2024).
2. Thành phần phổ ký chủ phụ của các loài rầy xanh trên sầu riêng
Kết quả điều tra trong năm 2020-2022 của Lại Tiến Dũng và ctv. (2024) cho thấy, ngoài gây hại chính trên cây sầu riêng, các loài rầy xanh còn hiện diện và gây hại trên nhiều cây trồng khác như: cây bông gòn, cây đậu bắp, cây cà pháo, cây cà tím và một số loài cỏ dại khác. Loại bỏ những loại cây ký chủ này ra khỏi vườn sầu riêng có tác dụng tốt trong quản lý các loài rầy gây hại (Bảng 2, nguồn: Lại Tiến Dũng và ctv., 2024).
3. Tập tính sống và gây hại của các loài rầy xanh trên sầu riêng
Trưởng thành các loài rầy xanh thường đẻ trứng vào đọt non và gân chính của lá non trên cây sầu riêng, từ khi lá chưa mở và khi lá non mở ra từ 1/3 chiều dài lá thì đã thấy xuất hiện lứa rầy xanh non gây hại. Đánh giá mức độ gây hại quy theo các vết châm của 1 lá non cho thấy, nếu phun thuốc chậm sau khi lá mở 1/3 chiều dài thì tỷ lệ lá bị gây hại từ 30-35% (1 lá non bị châm nhiều nhất là 85-90 vết châm tùy theo tuổi của rầy non. Như vậy, có thể thấy rằng số trứng rầy đẻ trước khi lá non mở ra và mỗi khi số lá non mở rộ là mật độ rầy đạt cao nhất và gây hại nặng nhất (Bảng 3).
Rầy non và rầy trưởng thành đều trú và gây hại ở mặt trên hoặc mặt dưới lá. Chúng chích hút dịch cây ở đọt non và lá non. Rầy thường phát triển mạnh vào giai đoạn cây sầu riêng ra đọt non, lá non và hoa quả non, làm cháy lá, rụng hoa và quả non. Khi bị gây hại nhẹ, mặt lá có những vết châm màu hơi vàng, làm cho lá dần bị cong lên, sau chuyển thành các vết nâu gây thủng hoặc cháy lá (Hình 1), tạo điều kiện để nấm bệnh xâm nhiễm và gây hại lá. Khi bị gây hại nặng, lá chuyển màu nâu vàng, rồi đỏ, lá trở nên cong queo và cháy từ mép lá vào trong, làm cho mép lá bị cháy xoăn lại, từ từ khô và rụng, gọi là hiện tượng "cháy rầy". Đọt non có thể bị khô, trơ cành, dễ nhầm lẫn với triệu chứng do nấm bệnh gây ra (Hình 2 và Hình 3). Nếu bị hại ngay giai đoạn làm bông, nuôi trái sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến nuôi bông, gây rụng bông, rụng trái và làm giảm năng suất và phẩm chất trái.
