BỆNH LÚA LÙN (RICE DWARF DISEASE – RDD)
Triệu chứng bệnh:
Triệu chứng đặc trưng là toàn khóm lúa bị lùn thấp, trên lá có vết đốm vàng (chlorotic) hay lốm đốm trắng nhạt. Có khi các vết đó liên kết tạo ra sọc đứt quãng trên lá cây dọc theo gân lá. Cũng có thể có các vết trên bẹ lá. Màu sắc các phần khác thường xanh đậm hơn so với cây khoẻ. Đôi khi các lá bị vàng mép, rìa lá.
Cây bị bệnh thường đẻ nhánh nhiều, nhánh nhỏ; trừ trường hợp bị bệnh từ lúc lúa non sẽ đẻ nhánh ít hơn. Rễ mọc chậm, các rễ nhỏ phát triển theo chiều ngang cho đến lúc thu hoạch lúa. Cây bị nhiễm bệnh thường tồn tại cho đến thời điểm thu hoạch nhưng hiếm khi ra bông. Nếu có ra bông được thì cây bệnh sống còi cọc đến thu hoạch, bông nhỏ, ít hạt và nhiều hạt lép. Nhiều bông, hạt có những chấm nâu.
Cây bị nhiễm bệnh ở giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng có năng suất giảm 50-80% trong khi cây bị nhiễm bệnh sau khi ra lứa có năng suất giảm <30%. Bệnh gây thiệt hại đáng kể cho lúa ở Nhật Bản và vùng trồng lúa Đông Á.
Phạm vi ký chủ của bệnh :
Ký chủ chính của bệnh là lúa (Oryza sativa). Cây thường biểu hiện hiện tượng còi cọc, lùn cây, đốm vàng nhỏ trên lá. Bệnh còn nhiễm trên một số cây cỏ dại và lúa dại như Echinochloa crus - galli var oryzicola.
Mầm bệnh:
Virus gây bệnh thuộc chi Phytoreo virus thuộc họ Reoviridae.
Virus truyền theo kiểu bền vững (persistant) qua bọ rầy Nephotettix cinticeps, các loài rầy N. apicalis, N. nigropictus, N. virescens và rầy điện quang (còn gọi là rầy bông/rầy Zigzag: Recilia dorsalis) họ Cicadellidae. Tuy nhiên môi giới truyền chủ yếu trong tự nhiên là bọ rầy Nephotettix cinticeps.
Có thể tìm thấy thể virus (virions) trong tế bào lá, trong diệp lục, trong biểu bì, mạch dẫn, nhu mô và tất cả các phần của cây ký chủ. Thể vùi của virus có thể tìm thấy trong tế bào chất ở dạng các viroplasms trong có chứa các thể Virus (virions). Các tế bào bị nhiễm bệnh chứa các thể vùi lớn hình tròn hoặc hình bầu dục trong tế bào chất. Các đốm màu vàng trên lá tương ứng với các khối tế bào chứa đầy tạp chất và các hạt virus. Tinh bột tích tụ trong mô lúa bị nhiễm bệnh.
Virus có thể có khả năng lây nhiễm sau 48 giờ. Khả năng lây bệnh của virus còn ít nhất 1 năm trong lá lúa và trong côn trùng môi giới truyền bệnh nếu các mẫu bệnh này được bảo quản ở - 40°C (Fukushi và Kimura, 1959).
Virus không truyền qua cơ giới và tiếp xúc, không truyền qua phấn hoa, không truyền qua hạt giống.
Mối quan hệ giữa giống lúa và bệnh:
Các giống lúa (Oryza sativa) đều nhiễm bệnh. Theo Yasuo et al. (1960) thì các giống lúa ở Nhật Bản đều mẫn cảm với bệnh. Trái lại, nhiều giống nhập nội lại có khả năng kháng bệnh khá rõ rệt.
Các giống được xếp vào nhóm chống bệnh cao gồm Tẻ tép (nhập từ Việt Nam) và các giống Pebihun, Hyahumichi - to, Loktjan, Kaladumai, Dahrial (theo S.H.OU, 1972).
Giống mẫn cảm dùng chẩn đoán bệnh là lúa (Oryza sativa), cỏ và lúa dại như Echinochloa crus - gall var oryzicola. Giống để chuẩn bị vật liệu virus thí nghiệm là lúa (Oryza sativa) và giống dùng thử nghiệm cũng là Oryza sativa.
Triệu chứng bệnh lúa lùn (Rice Dwarf Disease – RDD)
Sự vận chuyển nội bào của virus lúa lùn (RDV) trong tế bào vectơ côn trùng khai thác cấu trúc hình ống Pns10 do virus gây ra. (A) Các ống Pns10 chứa virus liên kết với các vi nhung mao của ruột giữa trước ở rầy có độc lực. Hình nhỏ, mặt cắt ngang của vi nhung mao chứa ống Pns10 chứa virus có đường kính khoảng 100 nm. EC, tế bào biểu mô; GL, lòng ruột; MV, vi nhung mao. Thanh tỷ lệ, 200 nm. (B) Mô hình hiển thị bề mặt ba chiều hiển thị các hạt RDV (màu vàng) được bao quanh ởi các ống Pns10 (màu đỏ) và màng sinh chất (màu xanh) (Nguồn: Katayama et al., 2007; Chen et al., 2012)