Trang chủ / Blog / CÁC LOẠI PHÂN ĐẠM TRÊN THỊ TRƯỜNG (Phần 2)

CÁC LOẠI PHÂN ĐẠM TRÊN THỊ TRƯỜNG (Phần 2)


3. PHÂN ĐẠM NITRAT

Loại phân đạm nitrat là một loại phân bón dạng vô cơ được tổng hợp từ các loại muối dạng Nitrat (NO3-). Trong phân bón mang theo các ion NO3- do vậy phân đạm Nitrat trở thành chất trung gian giúp cho cây trồng có thể hấp thụ các chất dinh dưỡng khác quan trọng. Chẳng hạn như các khoáng chất là Mg+, Ca+, Na+, … giúp cho cây trồng có thể phát triển một cách toàn diện nhất.

Với đặc tính như trên phân đạm Nitrat rất thích hợp cho việc sử dụng cho các loại cây trồng trên các vùng đất mặn, hay đất chua giúp cải tạo nguồn đất được hiệu quả. Dưới đây xin điểm qua một số loại phân đạm Nitrat mà hay thường gặp nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay:

 

3.1. Phân đạm Canxi Nitrat/ Nitrat Canxi

Công thức phân tử: 5Ca(NO3)2.NH4NO3.10H2O. 

Thành phần: chứa 15- 15,5% đạm Nitrat (NO3-) và 25- 26% Canxi oxit (CaO). 

Đặc điểm nhận dạng: dạng hạt màu trắng, dễ tan trong nước. 

Tính chất- Ứng dụng: 

- Trong các loại phân nitrat thì Canxi nitrat là sản phẩm tiện dụng và hiệu quả nhất. Đạm trong Canxi Nitrate là dạng Nitrat, loại N cây hấp thu cực nhanh, không cần chuyển hóa. Canxi Nitrate tan tốt trong nước và hấp thu nhanh nên tưới phân này qua lá sẽ giúp giảm thiểu sự hao hụt dinh dưỡng. Sau khi tưới, cây trồng có thể hấp thu ngay, mang lại hiệu quả cao.

- Phân Canxi Nitrat giúp cây trồng tăng khả năng hấp thu các chất trung-vi lượng. Cung cấp Canxi Nitrat làm tăng tỉ lệ đậu trái cho cây trồng, giảm thiểu hiện tượng rụng hoa và trái non, giúp lúa cứng cây, chống đổ ngã. Phân bón này rất thích hợp cho các loại cây trồng lâu năm như: cà phê, chôm chôm,… 

- Canxi Nitrat là loại phân có tính kiềm mạnh, không gây chua đất nên rất tốt khi dùng cho những vùng đất chua. Bên cạnh đó, Ca(NO3)2 giúp hạ phèn, khử mặn, phục hồi cấu trúc đất, làm cho đất thông thoáng, thấm nước tốt, ngăn cản sự thoái hóa đất, giảm độc Sắt, Nhôm và Mangan. 


 

- Tác dụng loại phân này là thúc đẩy sự hình thành của rễ và các mầm non của cây. Vì có chứa Ca nên có thể ứng dụng nó vào các thời điểm ra hoa và nuôi trái để cung cấp Ca cho cây: 

+ Ra hoa: giai đoạn này cần một lượng Ca để hình thành tế bào mới. Trong giai đoạn ra hoa sẽ làm giảm chức năng của rễ nên phân Canxi Nitrate nên được bón qua lá để hấp thu tốt hơn.

+ Nuôi trái: Ca được sử dụng nhiều trong giai đoạn này. Ngoài ra, bổ sung Ca để tránh hiện tượng nứt, thối trái.

- Phân bón Canxi Nitrate được sử dụng phổ biến trong trồng trọt thủy canh. Vì Canxi và Đạm đều là nguyên tố dinh dưỡng quan trọng cho cây trồng. Canxi và Đạm đều có sẵn trong đất, trong khi đó nước thì không có sẵn những nguyên tố dinh dưỡng này, nên môi trường thủy canh cần phải bổ sung phân Canxi Nitrat.

- Bón Canxi Nitrate cây ít bị bệnh, lá dày khỏe hơn. Ví dụ: cây cà chua có đủ lượng Ca có khả năng chống lại sự xâm nhiễm của nấm Ralstonia solanacearum gây bệnh héo xanh. Đối với cây đậu tương, Ca làm giảm bệnh thối thân do nấm Phytophthora

 

Nhược điểm và lưu ý khi sử dụng: 

- Loại phân này háo nước khó bảo quản, dễ tan trong nước, hấp thụ độ ẩm không khí khá tốt nên cần bảo quản ở nơi khô ráo. 

- Phân này có tính oxy hóa mạnh, dễ cháy nổ khi tiếp xúc với các chất hữu cơ.

- Bón quá nhiều Canxi Nitrate vào đất sẽ làm đất có độ kiềm cao, ảnh hưởng đến sự hấp thu các chất dinh dưỡng khác của cây. Do đó cần phải xác định đúng thời điểm và lượng Canxi Nitrate cần bổ sung vào đất.   

- Lưu ý khi bón Canxi Nitrate là phải cung cấp nước đầy đủ cho cây, bởi Ca trong phân di chuyển từ rễ lên các cơ quan của cây theo sự thoát hơi nước.

 

3.2 Phân đạm Magie Nitrat (Magie Nitrat Hexahydrate)

Công thức phân tử: Mg(NO3)2.6H2

Thành phần: 13 – 15% đạm Nitrat và 8% MgO dễ tan. 

Đặc điểm nhận dạng: hạt tinh thể trong suốt, dễ tan trong nước.

Tính chất - Ứng dụng: 

- Là loại phân cung cấp Magie (Mg) và N hữu ích cho cây trồng. Trong đó, Mg là một trong những vi lượng cần thiết cho cây trồng là thành phần cấu tạo của colorfin, xantofin và caroten (chất diệp lục) ảnh hưởng đến quá trình quang hợp, thúc đẩy quá trình tổng hợp các chất khác và tăng sức đề kháng chống chịu với sâu bệnh, thúc đẩy hoạt động của các enzym, ngăn ngừa xơ cứng đất. Thành phần phân có chứa Magie sẽ giúp hệ rễ tăng trưởng mạnh, tăng năng lực hấp thu nước cho quy trình tổng hợp chất diệp lục, rút ngắn thời hạn sinh trưởng của cây.

- Sử dụng Magie Nitrat còn có tác dụng trong việc cân bằng và trung hòa môi trường đất.

- Magie nitrat có thể được sử dụng làm phân bón lá, do tính dễ tan trong nước, không chứa Clo, Nitơ và những kim loại nặng khác.

- Sử dụng Magie Nitrat phù hợp cho tất cả các loại cây trồng, đặc biệt tốt cho: Chè, thuốc lá, thuốc lào, dâu tây, hành tỏi, rau màu các loại…

+ Bón gốc: Hòa tan trong nước tưới cho cây trồng với liều lượng 50g – 200g/10 – 20 lít nước tưới cho các loại cây trồng.

+ Phun lá: liều lượng 1g cho 1 lít nước, 1- 2 tuần phun 1 lần.

+ Bổ sung vào dung dịch thủy canh dành cho các hệ thống trồng rau thủy canh hoặc khí canh. Dung dịch thủy canh: 0,5 – 2 g Mg(NO₃)₂/L nước, duy trì pH dung dịch từ 5,5 – 6,5. Kiểm tra EC (độ dẫn điện) thường xuyên để điều chỉnh liều lượng phù hợp.

- Các nghiên cứu đã chứng minh rằng việc sử dụng phân bón Magiê có thể làm tăng năng suất cây trồng lên 10- 30%, trái cây ‘sáng, màu sắc và hương vị được cải thiện đáng kể.


 

Nhược điểm và lưu ý khi sử dụng: 

- Do đặc tính hút ẩm cao, dễ chảy nước khi để ngoài không khí nên việc bảo quản phân bón Magie Nitrat cũng rất quan trọng nên bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Tránh tiếp xúc với nước và độ ẩm, vì điều này có thể làm giảm chất lượng của phân bón. Sử dụng bao bì kín để bảo quản cũng là một biện pháp hữu hiệu để giữ cho phân bón luôn trong tình trạng tốt.

- Người dùng nên đeo găng tay và khẩu trang khi tiếp xúc với Magie Nitrate để tránh kích ứng da và hô hấp. Sau khi sử dụng, cần rửa tay sạch sẽ để đảm bảo không còn dư lượng phân bón trên da. Trẻ em cũng cần được tránh xa khu vực có phân bón để đảm bảo an toàn.

- Nên lưu trữ riêng biệt với thực phẩm và thức ăn gia súc để tránh nguy cơ ô nhiễm. Nếu không tuân thủ các yêu cầu về lưu trữ, chất lượng của phân bón có thể bị ảnh hưởng, dẫn đến hiệu quả thấp trong quá trình sử dụng.

 

3.3 Phân đạm Kali Nitrat

Công thức phân tử: KNO3

Thành phần: 13% đạm Nitrat và 44- 46% K2O

Đặc điểm nhận dạng: thường có dạng hạt hoặc bột màu trắng. Hạt phân Kali nitrat thường có kích thước nhỏ, dễ tan trong nước.

Tính chất - Ứng dụng: 

- Kali Nitrat rất dễ tan trong nước. Nó hòa tan nhanh chóng và tan hoàn toàn trong nước, lý tưởng để sử dụng trong hệ thống tưới tiêu. Khi nhiệt độ nước tăng, khả năng hòa tan của nó cũng tăng

- Kali Nitrat tương thích với các loại phân bón khác. Nó không tạo ra các chất kết tủa không hòa tan có thể làm tắc nghẽn hệ thống tưới nhỏ giọt hoặc vòi phun, vì vậy nó có thể được sử dụng một cách an toàn trong pha các dung dịch phân bón khác nhau trong các bồn dinh dưỡng.

- Phân Kali Nitrat chứa 2 chất dinh dưỡng quan trọng đối với sự phát triển của các loài thực vật là Kali (K) và N. Trong khi N thúc đẩy quá trình tăng trưởng, đảm bảo cây trưởng thành hoàn toàn, thì K lại điều chỉnh các chức năng sinh học.

- Kali Nitrat được cây trồng hấp thụ hiệu quả. Tác dụng kết hợp giữa K+ và NO3- tạo điều kiện cho cây hấp thụ cả hai chất dinh dưỡng qua rễ. Ngoài ra, ái lực giữa điện tích âm của Nitrat và điện tích dương của K làm giảm khả năng bị hấp phụ bởi các hạt đất, do đó giúp dinh dưỡng hữu dụng cho cây trồng trong thời gian dài hơn.

- Phân Kali Nitrat chứa lượng Nitrat cao và lượng muối thấp, loại phân bón này có tác dụng tốt đối với việc trồng cần tây, cà chua, khoai tây và một số loại trái cây… 

- Phân này thích hợp dùng cho các loại đất có tính chua, hay đất xám bạc màu và các loại đất pha cát. Kali Nitrat có khả năng ổn định pH đất: Khi sử dụng phân Kali Nitrat, nếu đất có mức độ axit cao, Nitrat trong phân có thể tương tác với ion hidroxit (OH-) để tạo ra nước (H2O) và Nitơ (N2), làm giảm mức độ axit trong đất và điều chỉnh pH. 

- Phân Kali nitrat không độc đối với rễ cây: không giống như amoniac, đạm có trong Phân Kali Nitrat không gây hại rễ cây ở nhiệt độ đất cao.

- Nó cũng được phun lên lá cây để kích thích các quá trình sinh lý hoặc để khắc phục sự thiếu hụt chất dinh dưỡng. Thông thường, có thể sử dụng nồng độ pha loãng Kali Nitrat từ 0,2- 0,5% và phun lá 2- 3 lần trong mùa.

- Nó có thể sử dụng cùng các loại phân bón khác mà không tạo ra kết tủa làm tắc nghẽn hệ thống tưới nhỏ giọt hoặc vòi phun. Vì vậy phân Kali nitrat nên được sử dụng trong các dung dịch dinh dưỡng ở hệ thống tưới.

- Những vai trò chính của phân bón Kali Nitrat đối với cây trồng: 

+ Có thể hỗ trợ cây trồng trong việc hấp thụ và sử dụng các chất dinh dưỡng khác một cách hiệu quả.

+ Kích thích các cây trồng ra hoa nhiều, nâng cao năng suất khi trồng, có thể dùng chung với các thuốc phòng bệnh có khả năng chống lại sâu bệnh rất cao. 

+ Có tác dụng tích cực đối với các thông số chất lượng sau: Kích thước quả (Kích thước lớn hơn và tăng độ đồng đều), hình thức quả (Quả đẹp hơn, đều màu hơn, giảm thiểu các khuyết tật về màu sắc hoặc các đốm bất thường do tổn thương cơ học hoặc bất kỳ dấu hiệu bệnh lý nào khác gây ra), giá trị dinh dưỡng (Hàm lượng protein, dầu và vitamin C nhiều hơn) mùi vị thơm ngon hơn, thời gian bảo quản lâu hơn….

+ Giúp cây trồng chống chịu sương giá: K có trong phân này giúp xây dựng thành tế bào dày hơn, tăng mức độ điện giải trong tế bào, do đó làm tăng khả năng chống chịu sương giá của cây trồng. 

+ Giúp cây trồng tăng sức đề kháng đối với bệnh hại: nó giúp loại bỏ sự tích tụ của carbohydrate dạng chuỗi ngắn và nitơ không phải dạng protein, hoạt động như một tuyến bảo vệ chống lại vi khuẩn, nấm, tuyến trùng và vi rút.

+ Cải thiện hiệu quả sử dụng nước (ngăn ngừa mất nước) của cây trồng, làm cho cây trồng chịu hạn tốt hơn: do nó chịu trách nhiệm cho việc đóng và mở khí khổng, K giảm thiểu sự thoát hơi nước của cây và do đó làm giảm nhu cầu nước của cây. Hơn nữa, phân này hỗ trợ sự hình thành và phân chia của hệ thống rễ, cải thiện khả năng hấp thụ nước trong đất tốt hơn.

+ Cho phép cây trồng giảm thiểu sự hấp thụ Clorua (Cl-), dù nó có trong đất hay nước. Tương tự như vậy, K có trong phân chống lại các ảnh hưởng tiêu cực của Natri (Na). Do đó, Kali Nitrat rất được khuyến khích sử dụng trong các loại cây trồng nhạy cảm với độ mặn và khi nước tưới kém chất lượng.

Nhược điểm và lưu ý khi sử dụng: 

Kali Nitrat có khả năng hoà tan tương đối cao tạo ra dung dịch đậm đặc hơn so với các loại phân K thông thường  khác. Tuy nhiên, nông dân cần phải quản lý nước cẩn thận để giữ Nitrat không di chuyển ra khỏi vùng rễ.

 

3.4 Phân đạm Canxi – Magie Nitrat 

Công thức phân tử: CaMg(NO3)2

Thành phần: Có thành phần là hóa học dolomit kết hợp acid nitric cung cấp 3 nguyên tố hóa học đó là N, Ca và Mg. Chứa 13-15% N và 8% MgO. 

Đặc điểm nhận dạng: Dạng hạt tinh thể trong suốt, dễ tan trong nước

Tính chất- Ứng dụng: 

Loại phân này cung cấp N, Ca và Mg chất lượng cho cây trồng. Dùng phù hợp cho các loại đất trồng bị thiếu Mg và Ca.

Có tác dụng kích thích phát triển hệ rễ, giúp cây sinh trưởng nhanh và có thể sử dụng làm phân bón lá.

Mang các đặc điểm về vai trò của phân Canxi Nitrat và Magie Nitrat đối với cây trồng.

 

3.5 Phân đạm Natri Nitrat (muối diêm, Sodium saltpeter, Nitratine…)

Công thức phân tử: NaNO3

Thành phần: chứa 16% N, 25% Na2O và 1 ít vi lượng chất Bo.

Đặc điểm nhận dạng: có dạng hạt màu trắng.

Tính chất- Ứng dụng: đây là loại một loại phân đạm Nitrat được dùng nhiều cho các loại cây trồng như là  cây mía đường, cây củ cải đường và nhiều loại cây lấy củ như là khoai lang, cà rốt, khoai tây, cây đậu…

Nhược điểm và lưu ý khi sử dụng: Lượng đạm ít, dễ bị rửa trôi, bón nhiều và liên tục sẽ dư thừa Na khiến đất bị chai cứng.


 

3.5 Phân đạm Amôn Nitrat: Đã trình bày ở dạng phân đạm Amoni.

 

4. CÁC DẠNG PHÂN ĐẠM KHÁC

Ngoài ra, trên thị trường còn có một số loại phân đạm khác như Canxi cyanamite, Calcium Ammonium Nitrate, Ammonium Phosphate:

Canxi cyanamit – Ca(CN)2: có hàm lượng đạm từ 20- 21%. Phân thích hợp với đất chua phèn, các loại đất bạc màu, có tác dụng khử chua, hạ phèn. Phân có thể gây bỏng, rát da nên phải đeo găng tay khi sử dụng, khi hút ẩm dễ bị biến chất làm giảm chất lượng của phân bón. Không dùng để phun lên lá.



Calcium Ammonium Nitrate (CAN) bao gồm Canxi nitrat- Ca(NO3)2 và Ammonium nitrate- NH4NO3 chứa N tổng: 26 – 27 %; CaO: 11 – 12 %. Phân bón CAN dễ hút ẩm. Sự hòa tan của nó trong nước là phản ứng thu nhiệt. Phân bón CAN giúp cải tạo phục hồi đất bằng cách phục hồi cấu trúc đất giúp đất thông thoáng, tăng khả năng thấm nước. Ngoài ra, nó còn có tác dụng khử mặn, phèn.

 

Ammonium Phosphate –  (NH4)3PO4 : ít được sử dụng trong thực tế.

 

Tóm lại, tùy vào từng loại cây trồng hay đất trồng cụ thể cùng với mục đích sử dụng mà các bà con nông dân nên lựa chọn loại phân đạm thích hợp sử dụng đúng mục đích hoặc sử dụng kết hợp sao cho đạt hiệu quả kinh tế mức cao nhất.

CÁC LOẠI PHÂN ĐẠM TRÊN THỊ TRƯỜNG (Phần 2)