BỆNH CHÁY LÁ PESTALOTIA TRÊN CÂY HOA CÚC
Bệnh cháy lá Pestalotia thường gây hại trên Cúc Đồng Tiền và Cúc Mâm Xôi.
* Triệu chứng bệnh:
Bệnh xuất hiện chủ yếu trên lá, vết bệnh thường bắt đầu ở 2 mép lá. Ban đầu, vết bệnh có hình tròn, gần tròn hay bầu dục, đôi khi bất dạng, màu xám nâu hoặc nâu. Kích thước vết bệnh trung bình 2-10 mm. Về sau, các vết bệnh liên kết lại với nhau thành mảng lớn, làm lá cháy khô và rụng. Triệu chứng thể hiện rất rõ trên cây Cúc Mâm Xôi. Khi cây bị bệnh nặng, các lá ở gần gốc rụng rất nhanh chỉ còn lại các lá bên trên.
Triệu chứng bệnh cháy lá Pestalotia trên lá Cúc (A) Cúc mâm xôi, (B) Cúc đồng tiền
* Điều kiện phát sinh, phát triển bệnh:
Bệnh phát triển nặng trong điều kiện ẩm ướt, nhiệt độ và ẩm độ cao, thiếu ánh sáng.
Bón phân mất cân đối, nhiều phân đạm và thói quen tưới nước vào trời tối tạo ẩm độ cao cũng dẽ làm phát sinh bệnh.
* Tác nhân gây bệnh:
Bệnh được xác định do nấm Pestalotia sp. gây ra (Barnett và Hunter, 1998), thuộc lớp nấm bất toàn, bộ nấm đĩa đài. Nấm lưu tồn trong bộ phận bị bệnh. Nhiệt độ thích hợp cho nấm phát triển là 30 °C và pH=6,5 (Agrios, 2005).
Nấm Pestalotia sp. gây bệnh cháy lá trên cây hoa Cúc
Hình bên trái: Ổ nấm chứa bào tử. Hình bên phải: Bào tử
* Phòng trị bệnh:
Để phòng bệnh phải sử dụng giống kháng hoặc cây sạch bệnh, thường xuyên cắt tỉa cành lá để tạo sự thông thoáng, trồng cây trong điều kiện có ánh sáng đầy đủ, bón phân cân đối, tránh bón nhiều phân đạm, không nên tưới nước vào trời tối để tránh tạo ẩm độ cao.
Khi phát hiện bệnh cần cách ly cây bệnh, cắt và tiêu hủy ngay lá bị bệnh.
Khi điều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh phát triển, sử dụng một trong các loại thuốc chứa hoạt chất như gốc đồng, iprodione, hexaconazole, difenoconazole + propiconazole.