Trang chủ / Blog / TRIỆU CHỨNG, NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC SỰ THIẾU KẼM TRÊN CÂY LÚA

TRIỆU CHỨNG, NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC SỰ THIẾU KẼM TRÊN CÂY LÚA


1. Triệu chứng thiếu Kẽm trên lúa: 

Bởi vì Zn di chuyển trong tán lá ít, đặc biệt trong những cây thiếu N nên hiện tượng thiếu Zn thường xuất hiện ở lá non. Triệu chứng thiếu Zn thường xuất hiện từ ngày thứ 10 tới ngày thứ 40 sau khi gieo cấy tùy theo giống, điều kiện đất và khí hậu. Thiếu Zn làm sự phục hồi xanh chậm lại, cây còi cọc, kém nở bụi, cây hơi lùn, lá nhỏ xù ra và thường có sọc màu trắng ở giữa các lá non và lá giữa. Xuất hiện các đốm nhỏ rải rác màu vàng nhạt đến nâu trên các lá giữa sau đó phát triển rộng ra, hợp lại và trở thành màu nâu sẫm.

Trong trường hợp nặng cây có thể chết, còn một số cây bị thiếu Zn phục hồi, chúng sẽ làm chín chậm đáng kể và giảm năng suất. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy có mối tương quan giữa hàm lượng Zn trong cây lúa với sự sinh trưởng, phát triển và năng suất lúa. Nếu hàm lượng Zn trong thân lá < 25ppm Zn thì sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa bị ảnh hưởng nghiêm trọng, năng suất cho thấy giảm rõ rệt. 

 

Triệu chứng thiếu Kẽm trên lá lúa với các đốm nhỏ rải rác màu vàng nhạt đến nâu xuất hiện trên các lá giữa sau đó phát triển rộng ra, hợp lại và trở thành màu nâu sẫm


2. Nguyên nhân thiếu Kẽm trên lúa

* Hiện tượng thiếu kẽm thường xảy ra ở: 

Đất nghèo Kẽm

Đất có hàm lượng lân, gốc HCO3 cao. 

pH đất cao (từ 7 trở lên) trong môi trường yếm khí

Do bón quá nhiều lân, phân hữu cơ, vôi nên kẽm bị cố định

Do trong đất sự hữu hiệu cao của các nguyên tố Sắt, Canxi, Magiê, Đồng, Mangan và Lân đã làm ức chế rễ lúa hút Kẽm.

* Các loại đất có khuynh hướng thiếu Kẽm:

Đất trước đây được bón nhiều N. P. K (không chứa Kẽm).

Đất trồng 3 vụ lúa trong 1 năm.

Các loại đất bị rửa trôi, đất phèn cổ, đất nhiều Na tri, đất mặn trung tính, đất đá vôi, than bùn, đất cát, đất phong hóa mạnh, đất chua, đất có cấu tượng thô. 

Các loại đất có Lân và Silic cao.

Trong khi thiếu Zn mà bón nhiều N, đặc biệt là phân urea thì sẽ càng làm cho tình trạng thiếu Zn trầm trọng hơn bởi các vi sinh vật có ích phát triển không tốt.

 


3. Khắc phục sự thiếu Zn trên lúa

Việc bón phân Zn, chẳng hạn như kẽm sunfat (ZnSO4), là một phương pháp khá hiệu quả để khắc phục tình trạng thiếu Zn và cải thiện hơn nữa năng suất hạt cũng như tăng nồng độ Zn trong hạt (Khan et al., 2003; Rehman et al., 2018). Các phương pháp ứng dụng Zn chủ yếu bao gồm bón vào đất, bón qua lá, lót hạt và áo hạt giống (Nadeem và Farooq, 2019; Nazir et al., 2021).

Có thể khắc phục sự thiếu Zn trên lúa bằng cách: 

(a) Ngâm hạt giống trong dung dịch 2-4% ZnO (20- 40 g ZnO/lít).

(b) Bón Kẽm cho đất: 

- Bón 5- 10 kg Zn/ha (dạng ZnSO4, ZnO hay ZnCl) lúc làm đất. Bón trên bề mặt có hiệu quả hơn so với vùi ở những đất có độ pH cao. 

- Bón trong khi lúa tăng trưởng: Nguồn thông dụng là Kẽm Sunphat (ZnSO4). Bón vãi trên mặt đất từ 10- 25 kg ZnSO4. H2O/ha, hoặc bón từ 20- 100 kg ZnSO4.7H2O/ha. 

Để bón đều có thể trộn 1 phần phân Zn với 3 phần cát để rải. Nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng việc bón 5– 45 kg ZnSO4. H2O/ha vào đất đã làm tăng năng suất hạt (13–60%) (Khan et al., 2002; Huang et al., 2019).

(c) Phun Kẽm qua lá: bón qua lá dường như hiệu quả hơn trong việc tăng nồng độ Zn trong hạt (Fageria et al., 2009). Để xử lý thiếu Kẽm khẩn cấp trong giai đoạn sinh trưởng, dùng ZnSO4 với nồng độ 2,5- 5 g/lít.                            

 

 

TRIỆU CHỨNG, NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC SỰ THIẾU KẼM TRÊN CÂY LÚA