1. Phân bón gốc:
Nhìn chung, 2 loại dưỡng chất cần phải quan tâm bón đầy đủ trong giai đoạn nầy là đạm và kali, nhưng không được bón dư thừa đạm:
* Phân Lân: nếu được cung cấp đầy đủ sẽ thúc đẩy quá trình phân hóa đòng diễn ra sớm hơn. Thiếu Lân làm số gié giảm, sức sống phấn hoa giảm, nên hạt lép nhiều.
+ Phân Đạm:
Giai đoạn này cây lúa rất cần và cũng rất mẫn cảm với phân Đạm nên còn gọi là giai đoạn “ Khủng hoảng Đạm”. Do vậy, ta không nên bón dư Đạm vào lần bón thúc đợt 3 – Bón phân đón đòng. Khi kết thúc giai đoạn phân hóa đòng, hầu như cây lúa đã hút trên 80% lượng phân Đạm cho cả chu kỳ sống. Thiếu Đạm sẽ làm bông ngắn, ít hạt; thừa Đạm sẽ tăng tỷ lệ hạt lép lửng, dễ bị đỗ ngã, sâu bệnh.
Quan sát và nhận xét của nhiều nông dân trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long nhận thấy rằng nếu lúc cây lúa bắt đầu đứng cái, làm đòng (bắt đầu thời kỳ phân hoá đòng) mà “mã lúa” (tức là hình thái bên ngoài của ruộng lúa) màu “vàng tranh” (xanh nhạt đến vàng) thì lúa sau nầy trổ mới chắc hạt (ít lép và hạt no đầy). Rõ ràng màu xanh nhạt đến vàng của lá lúa là thể hiện của tình trạng hơi thiếu đạm hoặc sự hấp thu đạm bị hạn chế.
+ Phân Kali: ở giai đoạn này, cây lúa yêu cầu cần nhiều nhất trong tổng số lượng phân Kali bón cho cả mùa vụ. Thiếu Kali làm hạt nhỏ, tăng tỷ lệ hạt lép, giảm khả năng chống chịu sâu bệnh.
è Do vậy cần bón đủ các nguyên tố dinh dưỡng trên trong lần bón thúc đợt 3 và tranh thủ bón sớm khi cây lúa mới bắt đầu bước vào giai đoạn phân hóa hoa – lúc đòng đã tượng khoảng 1-2 mm (tim đèn 1-2 li). Tùy tình hình sinh trưởng của cây lúa, tùy từng chân ruộng để xác định số lượng phân bón và thời điểm bón cho thích hợp. Sau đây là 1 số khuyến cáo và thực tế người dân áp dụng:
– Thông thường nếu bón phân đơn, lượng bón dao động cho 1000m2: bón 4 – 8kg đạm và 6 – 10kg kali (Hoặc dùng NPK 10-5-15 hoặc 15-5-15 bón với lượng 12- 16kg).
– Khuyến cáo từ GS. TS Nguyễn Bảo Vệ:
+ Liều lượng đạm bón dựa bảng so màu lá. Nếu không có bảng so màu lá thì quan sát màu xanh của lá mà quyết định: (1) Khi lá có màu xanh đậm, không cần bón thêm phân đạm; (2) Khi lá có màu xanh vàng, có thể bón khoảng 2,5 kg urê /công 1.000 m2; (3) Khi lá có màu vàng xanh, có thể bón 5 kg urê/công 1.000 m2.
+ Đối với kali thì quan sát chóp lá và bìa lá của những lá già để bón: (1) Nếu chóp lá và bìa lá không bị cháy khô thì bón từ 3-5 kg phân muối ớt (KCl)/ công 1.000 m2; (2) Nếu chóp lá và bìa lá bị cháy khô thí bón 6-8 kg phân muối ớt (KCl)/ công 1.000 m2.
2. Phân bón lá:
Lúc cây lúa tượng đòng thì số lá còn lại chưa nở chỉ khoảng 4-5 lá, những lá nầy lần lượt nở trong giai đoạn làm đòng gọi là “bộ lá đòng”. Bộ lá đòng có vai trò quyết định trong việc tạo ra đường bột cho hạt lúa làm ra hạt gạo, do đó bên cạnh bảo vệ nó khỏi sự gây hại của côn trùng và bệnh hại thì cũng cần phải quản lý dinh dững tốt cho bộ lá đòng xanh tốt ở giai đoạn làm đòng:
(1) Bón phân đón đòng đúng lượng như trình bày ở trên để có lá đòng to, dầy;
(2) Phun phân bón lá chứa Ca+ Bo để hỗ trợ phân chia tế bào trong quá trình hình thành đòng; các hợp chất sinh dưỡng có chứa Sắt, Magie, Kẽm, Amino… để giúp bộ lá đòng xanh khỏe, quang hợp tốt, tạo ra nhiều chất đường bột tích lũy sau này; các chất như Silic, Canxi, Kali để giúp lá đòng được cứng chắc, đứng thẳng nhận được nhiều ánh nắng mặt trời, giúp cho hoạt động tạo đường bột của lá được hữu hiệu.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.